Tế bào diệt cảm ứng cytokine đông lạnh giữ được hoạt tính kháng ung thư in vitro và in vivo

bởi

trong

Liệu pháp tế bào miễn dịch đã và đang trở thành một phương pháp trị liệu mới cho bệnh ung thư trong một vài năm trở lại đây. Sự bùng nổ của công nghệ tế bào lympho T biểu hiện receptor kháng nguyên khảm (Chimeric antigen receptor T cell – Car-T) là một chiến lược mới và đã được cấp phép điều trị trên người ở một số quốc gia. Tuy nhiên, Car-T là một liệu pháp đắt đỏ mà không phải bệnh nhân nào cũng có thể tiếp cận đến điều trị này. Trong nghiên cứu mới công bố của Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp.HCM, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu một liệu pháp khác – đó là sử dụng tế bào diệt cảm ứng bởi cytokine (cytokine induced killer cell – CIK). Điều đáng nói là nghiên cứu này đã cho thấy một tiềm năng lớn của việc sản xuất tế bào CIK quy mô công nghiệp, sau đó trữ lạnh và sử dụng trong điều trị như là “thuốc”. Nghiên cứu này là một trong số ít các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy các tế bào CIK đông lạnh vẫn còn giữ được hoạt tính kháng ung thư in vitro và in vivo (trên chuột). Trên nghiên cứu này đã xuất bản trên tạp chí chuyên ngành về ngân hàng tế bào và mô (Cell and Tissue Banking: https://doi.org/10.1007/s10561-022-10022-8).

Hình 1. Khả năng sản xuất các yếu tố TNF-α, IFN-γ, IL-10 tương tự giữa tế bào CIK tươi và đông lạnh.

Mục tiêu của nghiên cứu là so sánh hoạt lực kháng khối u của tế bào CIK tươi và tế bào CIK đông lạnh. Các tế bào CIK được sản xuất từ máu cuống rốn người theo quy trình mà nhóm nghiên cứu đã thiết lập trước. Sau đó, các CIK được đông lạnh trong dung dịch đông lạnh Cryosave của nhãn hàng Regennedlab (chứa 5% DMSO, 10% human serum) và bảo quản ở -86 độ C. Những tế bào rã đông sau khi đông lạnh được sử dụng để so sánh với tế bào tươi (chưa qua đông lạnh) về hoạt tính kháng u in vitro và in vivo. Trong hoạt tính kháng u in vitro, các tế bào CIK được trộn với tế bào ung thư vú (MCF-7) để đánh giá hiệu quả tiêu diệt tế bào MCF-7 của tế bào CIK đông lạnh và tươi. Trong nghiên cứu in vivo, tế bào CIK đông lạnh được tiêm vào chuột mang khối u do tế bào MCF-7 gây nên. Hoạt tính sản xuất các yếu tố như TNF-α, IFN-γ, IL-10 cũng được đánh giá in vitro.

Hình 2. Hoạt tính li giải tế bào ung thư MCF-7 là tương tự giữa tế bào CIK tươi và đông lạnh.

Kết quả cho thấy rằng các tế bào CIK đông lạnh duy trì được khả năng kháng u tương tự tế bào CIK tươi. Hiệu quả tiêu diệt tế bào MCF-7 là không khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa tế bào CIK đông lạnh so với tế bào CIK tươi. Khi tiêm tế bào CIK đông lạnh vào chuột mang khối u vú, thể tích khối u vú giảm đáng kể so với chuột tiêm giả dược.

Mặc dù nghiên cứu còn nhiều hạn chế và những vấn đề chưa giải quyết được, những kết quả bước đầu này cho thấy các CIK từ máu cuống rốn và trữ đông có thể trở thành là một ứng viên mới sử dụng để điều trị ung thư hay hỗ trợ điều trị ung thư.

Nguồn: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35792988/


Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *